
Anonymous
0
0
Soạn bài Đi trong hương tràm - Ngắn nhất Cánh diều
- asked 2 months agoVotes
0Answers
0Views
Soạn bài Đi trong hương tràm
1. Chuẩn bị
Yêu cầu (trang 75 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2)
- Đọc trước bài thơ Đi trong hương tràm và tìm hiểu, ghi chép những thông tin về nhà thơ Hoài Vũ.
- Nghe bài hát Đi trong hương tràm do nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc từ bài thơ này. Bài hát mang đến cho em những cảm xúc như thế nào?
- Tìm hiểu thêm về đặc điểm của cây tràm, sự gắn bó giữa cây tràm với cuộc sống của người dân Đồng Tháp Mười nói riêng, người dân Đồng bằng sông Cửu Long nói chung
Trả lời:
- Thông tin về nhà thơ Hoài Vũ:
+ Hoài Vũ tên thật là Nguyễn Đình Vọng (sinh năm 1935)
+ Quê: Mộ Đức, Quảng Ngãi.
+ Cuộc đời và sáng tác của Hoài Vũ gắn bó mật thiết với mảnh đất phương Nam. Ông tham gia hoạt động văn học ở miền Nam trong suốt những năm chống Mỹ cứu nước gian khổ, ác liệt nhất.
+ Ông không chỉ làm thơ mà còn viết văn và dịch thuật.
+ Tác phẩm tiêu biểu: Anh ở đầu sông em cuối sông (1989), Chia tay hoàng hôn (1994), Đi trong hương tràm (1994), Thơ (2002), Rừng dừa xào xạc (1977), Bông sứ trắng, Vườn ổi (1992, truyện ngắn), …
+ Nhiều bài thơ của ông được phổ nhạc như: Vàm Cỏ Đông, Anh ở đầu sông em cuối sông, Đi trong hương tràm, Hoàng hôn lặng lẽ, …
+ Tác giả chia sẻ: “Tôi viết văn, làm thơ với niềm đam mê không bao giờ vơi cạn, Hạnh phúc lớn nhất đến với người cầm bút là dẫu năm tháng đi qua, người đọc vẫn nhớ đến tác phẩm của mình như nhớ đến một hình bóng thương yêu thoáng qua đời họ”.
- Bài thơ Đi trong hương tràm:
+ Bài thơ Đi trong hương tràm đã được nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc thành bài hát cùng tên và được nhiều ca sĩ thể hiện thành công.
2. Đọc hiểu
* Nội dung chính:
- Văn bản “Đi trong hương tràm” là lời chia sẻ của người xưng “anh” về tình yêu rất đỗi thủy chung, sâu nặng dành cho “em”. Cảm xúc, tâm trạng ấy luôn gắn bó với hình ảnh của lá tràm, hoa tràm, hương tràm, 1 loài cây thân thuộc gắn bó với vùng đất và con người vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bài thơ là sự hòa quyện giữa tình yêu đôi lứa với tình yêu quê hương, đất nước.
* Trả lời câu hỏi giữa bài
Câu 1 (trang 76 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2)
Trả lời:
- Không gian: Trong gió, trong mây, trong vòm lá, khắp trời mây Vàm Cỏ Tây
- Thời gian: sáng nay
- Hình ảnh hoa tràm: e ấp
Câu 2 (trang 76 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2)
Trả lời:
- Biện pháp tu từ:
+ Điệp từ: “dù” nhắc lại 3 lần, “thổi” nhấn mạnh 2 lần
+ Biện pháp đối: “Bầu trời thì cao, cánh đồng thì rộng”/ “Hương tràm bên anh, mà em đi đâu”
Câu 3 (trang 77 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2)
Trả lời:
- Cách diễn đạt ở khổ thơ cuối có nét tương đồng với khổ 2:
+ Lặp lại câu “Dù đi đâu và xa cách bao lâu”
+ “Em” và “anh” vẫn xa cách, có thể không gặp lại nhau nữa
+ Tác giả nhắc đi nhắc lại về sự cách biệt, như một lời nhớ thương da diết.
* Trả lời câu hỏi cuối bài
Câu 1 (trang 77 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2)
Trả lời:
- Văn bản “Đi trong hương tràm” là lời chia sẻ của người xưng “anh” về tình yêu rất đỗi thủy chung, sâu nặng dành cho “em”. Cảm xúc, tâm trạng ấy luôn gắn bó với hình ảnh của lá tràm, hoa tràm, hương tràm, 1 loài cây thân thuộc gắn bó với vùng đất và con người vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Câu 2 (trang 77 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2)
Trả lời:
- Các hình ảnh thiên nhiên: gió, gió Tháp Mười, mây, bầu trời, cánh đồng, bóng tràm, lá tràm, vòm lá, hoa tràm, hương tràm, …
- Hình ảnh thiên nhiên thể hiện tâm trạng cô đơn, trống trải của nhân vật trữ tình khi vắng “em” được tập trung trong khổ thơ thứ ba.
- Cảm nhận của mình về các hình ảnh này. Ví dụ:
+ Hình ảnh: “Gió Tháp Mười đã thổi, thổi rất sâu” gây ấn tượng về tâm trạng cô đơn, hun hút, trống vắng của nhân vật trữ tình.
Câu 3 (trang 77 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2)
Trả lời:
- Bài thơ có 4 khổ, mỗi khổ đều kết lại bằng hình ảnh “hương tràm”.
- Các hình ảnh này đều thể hiện hình ảnh của em, nhắc nhớ về em trong cảm nhận của nhân vật trữ tình.
- Điểm khác nhau của các hình ảnh này chính là cung bậc cảm xúc của nhân vật trữ tình. Ví dụ :
+ Trong khổ thơ thứ nhất, “hương tràm” là hình bóng của “em” gửi lại, toả bay, vấn vít, ngây ngất, nồng nàn.
- Nhan đề Đi trong hương tràm là một ẩn dụ. “Hương tràm” và tình em hòa quyện làm một. Tình em hòa vào hương hoa ngọt ngào, ngây ngất, tỏa bay vấn vít trái tim, tâm hồn, cuộc đời anh. Tình em hóa thân vào bóng tràm, lá tràm, hoa tràm, hương tràm. Hương tràm là hương của tình yêu trong sáng, thủy chúng, bất tử. Vì 1 lí do nào đó “trái tim em” đành lỗi hẹn, không thể “trao anh nữa”, thì “anh” vẫn mãi “Đi trong hương tràm” – sống trong tình em “xôn xao”.
Câu 4 (trang 77 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2)
Trả lời:
- Trong khổ thơ thứ 2 và 4 tác giả sử dụng phép điệp, cách diễn đạt trùng điệp – tăng tiến, quan hệ tương phản – đối lập, ẩn dụ và hình ảnh thiên nhiên của quê hương, … đã thể hiện tình yêu sâu nặng, thủy chung, vượt qua mọi hoàn cảnh, khoảng cách, giới hạn.
- Ở khổ thơ thứ hai, điệp từ “dù” chồng chất thêm những khoảng cách về không gian (“đi đâu”), thời gian (“xa cách bao lâu”), về quy luật đổi thay, biến suy của thiên nhiên (“gió mây kia đổi hướng thay màu”), những lỗi hẹn, lỗi nhịp của trái tim con người “không trao” nhau nữa, hay không thể trao nhau nữa vì bất cứ một lí do chủ quan hay khách quan nào (“Dù trái tim em không trao anh nữa”) để nhấn mạnh điểm tựa tinh thần kì diệu, vượt lên tất cả những điều đó của “thoáng hương tràm” (“Một thoáng hương tràm cho ta bên nhau”). Quan hệ tương phản giữa ba dòng thơ đầu và dòng thơ cuối khiến “thoáng hương tràm” trở thành “một thứ bùa ngải nhiệm màu” của tình yêu. Với “hương tràm”, tình ta cứ “bên nhau” bất chấp mọi sự xa cách, trở ngại.
Câu 5 (trang 77 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2)
Trả lời:
Hình tượng “tràm” trong bài thơ “Đi trong hương tràm” có thể gắn với kỉ niệm riêng về tình yêu của nhân vật trữ tình với người “em” trong bài thơ. Bởi vậy khi vắng “em”, kí ức và nỗi nhớ xưa ùa về nhắc nhớ trái tim “anh”. Mỗi vùng quê khác nhau có thể có những loài cây, loài hoa đặc trưng gắn bó sâu nặng với con người và mảnh đất miền quê ấy. Vì vậy, tình yêu lứa đôi trong sáng, sâu nặng, thủy chung cũng thường được con người cảm nhận gắn liền với những hình ảnh thân thuộc, gần gũi, yêu thương của quê hương như hương tràm, hóa tràm, bóng tràm, lá tràm. Tình yêu đôi lứa đã hòa quyện với tình yêu quê hương, đất nước.